Cập nhật quy định, tiêu chuẩn ngạch chuyên viên mới nhất
Trong nền Hành chính Việt Nam, mỗi ngạch và bậc đều có tiêu chuẩn riêng nhằm đáp ứng những yêu cầu của từng hạng chức danh. Vậy theo pháp luật hiện hành tại Việt Nam, các tiêu chuẩn ngạch chuyên viên được quy định như thế nào?
Định nghĩa ngạch chuyên viên là gì?
Theo khoản 1 Điều 7 Thông tư 2/2021/TT-BNV, ngạch chuyên viên là công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ở bậc Đại học với nhiệm vụ giúp cơ quan, tổ chức của Nhà nước tổ chức quản lý một lĩnh vực hoặc một vấn đề nghiệp vụ, chịu trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật theo ngành, lĩnh vực hoặc địa phương.
Cụ thể, các ngạch chuyên viên hành chính gồm:
- Ngạch Chuyên viên cao cấp (Mã số 01.001) – VD: Thanh tra viên cao cấp, Kế toán viên cao cấp, Kiểm toán viên cao cấp,…
- Ngạch Chuyên viên chính (Mã số 01.002) – VD: Thanh tra viên chính, Kế toán viên chính, Kiểm toán viên chính…
- Ngạch Chuyên viên (Mã số 01.003) – VD: Thanh tra viên, Kế toán viên, Kiểm toán viên…
- Ngạch Cán sự (Mã số 01.004) – VD: Kế toán viên trung cấp, Kiểm soát viên trung cấp, Kiểm tra viên trung cấp hải quan…
- Ngạch Nhân viên (Mã số 01.005) – VD: Nhân viên đánh máy, Nhân viên văn thư, Nhân viên kỹ thuật…
Tiêu chuẩn ngạch công chức theo quy định mới nhất
Quy định về tiêu chuẩn ngạch chuyên viên được quy định tại Thông tư 11/2014/TT-BNV do Bộ Nội vụ ban hành ngày 09 tháng 10 năm 2014. Tuy nhiên tới thời điểm 01/08/2021, Bộ Nội vụ đã có những thay đổi về tiêu chuẩn ngạch chuyên viên với Thông tư số 02/2021/TT-BNV.
Tiêu chuẩn chuyên viên về đạo đức
Theo điều 4 thông tư 11/2014-TT-BNV ngày 09 tháng 10 năm 2014) quy định Ngạch chuyên viên hành chính cần có những tiêu chuẩn về đạo đức sau:
- Là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ lợi ích của nhân dân, Tổ quốc.
- Là người thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công chức theo đúng quy định của pháp luật; tuân thủ pháp luật, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, trật tự hành chính.
- Phải tận tụy, trách nhiệm, trung thực, khách quan, công tâm và mẫu mức trong công việc, đạt chuẩn mực trong giao tiếp nhằm phục nhân dân.
- Đồng thời phải có lối sống và sinh hoạt lành mạnh, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
- Thường xuyên có ý thức học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất, trình độ và năng lực.
Tiêu chuẩn viên chức ngạch chuyên viên về nghiệp vụ chuyên môn
Tại điều 6 thông tư 11/2014 -TT-BNV (ngày 09 tháng 10 năm 2014) quy định về năng lực chuyên môn của ngạch chuyên viên như sau:
- Người chuyên viên cần hiểu rõ quy định của pháp luật, hệ thống chính trị và các chế độ chính sách của ngành và lĩnh vực quản lý.
- Nắm vững đối tượng quản lý, hệ thống các nguyên tắc và cơ chế quản lý của nghiệp vụ thuộc phạm vi được giao.
- Đồng thời biết xây dựng các phương án, kế hoạch, các quyết định cụ thể và có kiến thức am hiểu về ngành, lĩnh vực được giao; có kỹ năng soạn thảo văn bản và thuyết trình các vấn đề được giao nghiên cứu, tham mưu.
- Có phương pháp nghiên cứu, tổng kết và đề xuất, cải tiến nghiệp vụ quản lý.
- Am hiểu thực tiễn, kinh tế – xã hội về công tác quản lý đối với lĩnh vực được giao; nắm được xu hướng phát triển của ngành, lĩnh vực ở trong nước.
- Công chức dự thi nâng ngạch chuyên viên thì phải có thời gian giữ ngạch cán sự hoặc tương đương tối thiểu là 3 năm (36 tháng). Trường hợp đang giữ ngạch nhân viên thì thời gian giữ ngạch nhân viên hoặc tương đương tối thiểu là 5 năm (60 tháng).
Tiêu chuẩn trình độ đào tạo bồi dưỡng
Theo Thông tư 05/2017/TT- BNV quy định về tiêu chuẩn trình độ đào, tạo bồi dưỡng như sau:
- Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên hoặc bằng tốt nghiệp đại học ngành hành chính học, thạc sỹ quản lý hành chính công, tiến sỹ quản lý hành chính công;
- Có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 2 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ đào tạo tiếng dân tộc thiểu số do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp đối với công chức đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số;
- Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin hoặc chứng chỉ tin học ứng dụng tương đương.
Qua bài viết này, các bạn có thể nắm rõ những quy định ngạch chuyên viên và tiêu chuẩn ngạch chuyên viên trong nền hành chính Việt Nam để từ đó phấn đấu rèn luyện để trở thành những chuyên viên giỏi, cống hiến cho Nhà nước, cho xã hội.