Thủ tục thay đổi, chuyển hạng chức danh nghề nghiệp gồm những gì?
Chuyển hạng chức danh nghề nghiệp là gì? Hồ sơ thủ tục xét chuyển hạng chức danh nghề nghiệp gồm những nội dung gì? Mời học viên cùng tham khảo bài viết sau để biết thêm thông tin chi tiết!
Chuyển hạng chức danh nghề nghiệp là gì?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định 29/2012/NĐ-CP, chuyển hạng chức danh nghề nghiệp hay còn gọi là thay đổi chức danh nghề nghiệp, là việc viên chức được bổ nhiệm một chức danh nghề nghiệp khác phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí việc làm đang đảm nhiệm.
Việc xét chuyển chức danh nghề nghiệp viên chức được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Khi viên chức thay đổi vị trí việc làm mà CDNN đang giữ không phù hợp với yêu cầu của vị trí công việc mới.
- Viên chức được xét chuyển đổi chức danh nghề nghiệp phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn CDNN được chuyển.
- Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định việc xét chuyển chức danh nghề nghiệp theo thẩm quyền phân cấp.
- Không kết hợp nâng bậc lương khi xét chuyển CDNN.
Việc chuyển đổi chức danh nghề nghiệp của viên chức được quy định thực hiện theo những nguyên tắc cụ thể tại công văn đề nghị chuyển chức danh nghề nghiệp trong Điều 31 Luật viên chức như sau:
- Viên chức công tác tại vị trí việc làm nào thì được bổ nhiệm vào CDNN tương đương với vị trí việc làm đó; viên chức được xét chuyển chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của CDNN đó.
- Việc xét chuyển chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện thông qua hình thức thi hoặc xét theo nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành.
- Viên chức được đăng ký thi hoặc xét chuyển hạng chức danh nghề nghiệp nếu đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu và đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định pháp luật.
Thủ tục xét chuyển chức danh nghề nghiệp
Quy trình xét chuyển chức danh nghề nghiệp được quy định tại Phần II Phụ lục Quyết định 1066/QĐ-BNV gồm 6 bước như sau:
Bước 1 – Thông báo tuyển dụng và tiếp nhận hồ sơ thay đổi chức danh nghề nghiệp viên chức (Điều 14 Nghị định – Luật số 115/2020/NĐ-CP)
- Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền phải đăng thông báo công khai ít nhất 01 lần trên phương tiện thông tin đại chúng (báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình). đồng thời đăng tải trên trang thông tin điện tử và niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức.
- Chỉ được thay đổi nội dung thông báo trước khi khai mạc kỳ thi chuyển hạng chức danh nghề nghiệp và phải công khai theo quy định.
- Người đăng ký dự tuyển nộp Phiếu đăng ký theo Mẫu số 01 ban hành kèm Nghị định 115/2020/NĐ-CP tại địa điểm tiếp nhận hoặc gửi theo đường bưu điện hoặc qua trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.
- Thời hạn nhận Phiếu đăng ký là 30 ngày từ ngày thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng.
Bước 2 – Tổ chức chuyển hạng chức danh nghề nghiệp
- Hội đồng tuyển dụng viên chức thành lập Hội đồng tuyển dụng do người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm tuyển dụng quyết định (Điều 8 Nghị định số 115/2020).
- Lập Ban kiểm tra Phiếu đăng ký (theo Khoản 1, 2 Điều 15 Nghị định 115/2020)
- Nội dung, hình thức, thời gian thi tuyển viên chức (Điều 9 và khoản 3 Điều 15 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP)
Bước 3 – Xác định người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển viên chức (Điều 10 Nghị định 115/2022).
Bước 4 – Thông báo kết quả (Điều 16 Nghị định số 115/2020)
- Sau khi hoàn thành việc chấm thi Hội đồng tuyển dụng phải báo cáo người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét, công nhận kết quả.
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có quyết định công nhận kết quả, Hội đồng phải thông báo công khai trên trang thông tin/ cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị và gửi thông báo công nhận kết quả tới người dự tuyển theo địa chỉ mà người dự tuyển đã đăng ký.
Bước 5 – Hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi chức danh nghề nghiệp.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo kết quả, viên chức phải đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng để hoàn thiện hồ sơ.
Bước 6 – Ký kết hợp đồng và nhận việc.
Hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng, chuyển chức danh nghề nghiệp:
- Sơ yếu lý lịch viên chức theo quy định hiện hành (chậm nhất là 30 ngày trước thời hạn nộp hồ sơ cuối cùng).
- Bản nhận xét, đánh giá của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng viên chức hoặc của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định.
- Bản sao các văn bằng, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo yêu cầu.
Hướng dẫn chuyển hạng cho giáo viên các cấp
Hiện nay việc phân hạng giáo viên các cấp được căn cứ dựa trên tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ…Việc phân hạng giáo viên nhằm mục đích tạo ra động lực phấn đấu không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ của giáo viên. Dưới đây là hướng dẫn chuyển hạng cho giáo viên theo từng cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông:
Giáo viên mầm non
Khi đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp thì giáo viên mầm non đã được xếp hạng theo Thông tư liên tịch 20 sẽ được bổ nhiệm vào hạng mới như sau:
- Giáo viên mầm non hạng IV (mã V.07.02.06): Bổ nhiệm sang giáo viên mầm non hạng III. Nếu giáo viên chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên thì giữ nguyên hạng IV (mã V.07.02.06) và hưởng lương với hệ số từ 1,86 – 4,06 cho đến khi đạt chuẩn hoặc cho đến khi nghỉ hưu (nếu là đối tượng không phải nâng chuẩn trình độ).
- Giáo viên mầm non hạng III (mã V.07.02.05): Bổ nhiệm sang giáo viên mầm non hạng III (mã V.07.02.26).
- Giáo viên mầm non hạng II (mã V.07.02.04): Bổ nhiệm sang giáo viên mầm non hạng II (mã V.07.02.25). Nếu trúng tuyển trong kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non thì được bổ nhiệm sang giáo viên mầm non hạng I (mã V.07.02.24).
Giáo viên tiểu học
Tương tự như giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học cũng bổ sung thêm một chức danh nghề nghiệp hạng I và không tuyển dụng mới giáo viên tiểu học hạng IV. Do đó, nếu đạt tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp mới thì giáo viên tiểu học được bổ nhiệm như sau:
- Giáo viên tiểu học hạng IV (mã V.07.03.09): Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã V.07.03.29). Nếu chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo thì giữ nguyên hạng IV và hệ số lương từ 1,86 – 4,06 cho đến khi đạt chuẩn thì bổ nhiệm vào hạng III hoặc cho đến khi nghỉ hưu (nếu là trường hợp không phải nâng chuẩn).
- Giáo viên tiểu học hạng III (mã V.07.03.08): Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã V.07.03.29). Nếu chưa đạt chuẩn thì giữ nguyên hạng III với mã số V.07.03.08 với hệ số lương từ 2,1 – 4,89 theo quy định tại Thông tư liên tịch 21 cho đến khi đạt chuẩn thì được bổ nhiệm vào hạng III theo quy định mới hoặc cho đến khi nghỉ hưu nếu không thuộc đối tượng phải nâng chuẩn trình độ.
- Giáo viên tiểu học hạng II (mã V.07.03.07): Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã V.07.03.28). Nếu trúng tuyển trong kỳ thi/xét thăng hạng thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I (mã V.07.03.27).
Giáo viên Trung học Cơ sở
Giáo viên THCS được xếp hạng theo Thông tư liên tịch 22 nếu đạt chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp nêu tại Thông tư 03/2021 thì được bổ nhiệm vào hạng như sau:
- Giáo viên THCS hạng III (mã V.07.04.12): Bổ nhiệm vào chức danh giáo viên THCS hạng III (mã V.07.04.32). Nếu chưa đạt chuẩn thì giữ nguyên hạng III (mã V.07.04.12) và hệ số lương từ 2,1 – 4,89 cho đến khi đạt chuẩn thì bổ nhiệm vào chức danh giáo viên THCS hạng III (mã V.07.04.32) hoặc cho đến khi nghỉ hưu (nếu là đối tượng không phải nâng chuẩn trình độ).
- Giáo viên THCS hạng II (mã V.07.04.11): Bổ nhiệm vào chức danh giáo viên THCS hạng II (mã V.07.04.31). Nếu chưa đạt chuẩn thì bổ nhiệm vào giáo viên THCS hạng III (mã V.07.04.32) cho đến khi đạt chuẩn sẽ bổ nhiệm vào chức danh giáo viên THCS hạng II (mã V.07.04.31) mà không phải thông qua kỳ thi/xét thăng hạng.
- Giáo viên THCS hạng I (mã V.07.04.10): Bổ nhiệm vào chức danh giáo viên THCS hạng I (mã V.07.04.30).Nếu chưa đạt chuẩn thì bổ nhiệm vào giáo viên THCS hạng II (mã V.07.04.31) cho đến khi đạt chuẩn thì được bổ nhiệm vào chức danh giáo viên THCS hạng I (mã V.07.04.30) mà không phải thông qua kỳ thi/xét thăng hạng.
Giáo viên Trung học Phổ thông
Về cơ bản, giáo viên trung học phổ thông không có sự thay đổi nhiều như giáo viên mầm non, tiểu học hay trung học cơ sở. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư 04/2021, giáo viên đã được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT theo Thông tư liên tịch 23 thì được xếp hạng tương đương với quy định tại Thông tư 04 này. Đồng nghĩa, giáo viên THPT vẫn giữ nguyên các hạng:
- Giáo viên THPT hạng III (V.07.05.15).
- Giáo viên THPT hạng II (V.07.05.14).
- Giáo viên THPT hạng I (V.07.05.13).
Chuyển hạng chức danh nghề nghiệp là một trong những thủ tục cần thiết đối với viên chức tại bất cứ ngành nào. Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp học viên nắm thêm thông tin về chuyển hạng chức danh nghề nghiệp và các thủ tục xét chuyển chức danh nghề nghiệp.